Ngôi mộ bát lăng đẹp nhất miền Nam

Công Trình

Công Trình

Ngôi mộ bát lăng đẹp nhất miền Nam

Ngày đăng : 03/12/2019 - 8:47 PM
 

Ngôi mộ bát lăng đẹp nhất miền Nam ở Gò Công

Trong một dịp rong ruổi về Gò Công, chúng tôi thấy được những cụm mộ đá tuyệt mỹ, trúc cách thật đa dạng với vô số những bức chạm trổ công phu. Đặc biệt là ngôi mộ bát giác trong vườn chùa Long Thiền (nay thuộc ấp Hoà Bình, xã Bình Nghị, Gò Công Đông, Tiền Giang). Đối với chúng tôi, đó là lần đầu tiên mồ mả trở thành một trong những thứ phải để tâm như những thành tựu kiến trúc – mỹ thuật

Từ đó, chúng tôi tìm hiểu làng đục đá Bửu Long (Biên Hoà), Núi Sập (Long Xuyên) và rồi theo lời chỉ dẫn của các lão nghệ nhân đi đây đó tìm hiểu. Tất thảy không có một ngôi mộ đá nào tạo nên ấn tượng về quy mô lẫn trình độ mỹ thuật như ngôi mộ trong vườn chùa Long Thiền nói trên.

gocong.jpg

Toàn cảnh ngôi mộ đá bát lăng

1. Theo thầy Nhật Tánh, viện chủ tổ đình Long Thiền, thì chùa khai sơn tạo tự hồi thế kỷ thứ 19 trên cuộc đất do bà Trần Thị Sanh hiến cúng. Bà Sanh là con thứ sáu của một gia vọng tộc ở Gò Công. Bà được đời sau ca ngợi không chỉ ở việc giàu có mà vì bà là vợ thứ của Bình Tây nguyên soái Trương Công Định.

Tháng 8.1964, Trương Định hy sinh, bà tìm cách lãnh xác chồng về an táng lập mộ dựng bia khắc dòng chữ “Đại Nam, lãnh Anh – Hà lãnh binh, kiêm Bình Tây đại tướng quân, Trương Công huý Định chi mộ”, tổ chức tang lễ long trọng trước mắt kẻ thù. Bấy giờ mà làm được như vậy, bà quả là một phụ nữ bản lĩnh... Về sau, do đám tay sai chỉ chọt, thực dân Pháp đục xoá chữ trên bia lỗ chỗ, riêng bốn chữ “Trương Công huý Định” bị băm nát không còn dấu vết. Mãi đến năm 1930, mới dựng lại bia mới. Theo lời tục truyền chính bà Dương Thị Hương, con gái riêng của bà Sanh, tức nghĩa nữ của Trương Định, đứng ra làm việc này.

2. Theo lời thuật lại của thầy Nhật Tánh, bà Dương Thị Hương, theo nếp nhà của mẹ, là một phật tử thuần thành và lại là một đại thí chủ. Bà quy y với hoà thượng Hải Hội – Chánh Niệm, thường gọi là hoà thượng Long Hoà (Bà Rịa), được ban pháp danh Thanh Đăng và mặt khác, do chùa Long Thiền có quan hệ thân thiết với gia đình nên bà xin lập mộ ở vườn chùa khi còn tại thế. Đó là nguyên do, ngôi mộ toạ lạc tại vị trí này.

Những dòng chữ khắc trên mộ biểu – cột trụ trung tâm của ngôi mộ cho chúng ta biết chủ nhân của nó đúng là bà Dương Thị Hương (pháp danh Thanh Đăng, tự Diệu Quang), thọ 90 tuổi. Bà sinh năm 1844 (Giáp Thìn niên, thất nguyệt, thập lục nhật kiết thời sanh) và mãn phần vào năm 1933 (Quý Dậu niên, thập nguyệt, thập bát nhật, tý thời khứ). Các thông tin này cho chúng ta biết ngôi mộ – tháp là sản phẩm được tạo tác vào những năm đầu thế kỷ, trước năm 1933.

Tất cả các “nhân duyên” đó có thể thấy trong bài minh chữ Hán khắc trên tấm bia có công năng như bức bình phong đặt trên nền đàn của ngôi mộ tháp.

3. Đúng như miêu tả một cách đại thể trong bài minh này, ngôi mộ tháp có hình bát giác, phần “tháp” gồm năm bậc (Bát lăng biểu lý, Ngũ cấp nga nguy). Nói là vậy, song cũng cần lưu ý đôi điều về kiểu thức kiến trúc của ngôi mộ này.

Tháp của nhà Phật có nhiều loại, song về cơ bản là một kiến trúc gồm: lan can, nền đàn, thân tháp, bát úp, bình đầu, luân cái (còn gọi là bàn cái, thừa lộ bàn: hình giống như chiếc mâm tròn, nhiều lớp chồng lên nhau trên “bình đầu”, ở giữa có cây trụ xuyên qua, trên đầu có lọng) và bình báu. Mỗi loại tháp có công năng khác nhau, riêng về mộ tháp, có quy định cho hạnh không xuất gia – gọi là “phàm phu hiền thiện” – thì xây đầu bằng và không được dùng luân cái (khác với tháp chứa chân thân hay khôi thân của chư tăng). Điều này giải thích hình dạng và kiểu thức đặc biệt của ngôi mộ tháp này. Nói cách khác, kiểu dáng kiến trúc này là một thể kết hợp giữa mộ và tháp hầu tạo nên một trúc cách viên dung những quy thức giữa tháp và mộ, hình thức mà chúng tôi tạm gọi là mộ tháp.

Phần mộ, một mặt vừa mô phỏng hình bát úp của tháp vừa còn bảo lưu mặt bằng vuông vuông của hình dáng gò mộ phổ biến. Đó là một “gò” cao được xây bằng các phiến đá da quy, từ mặt đất lên đến nền đàn có đến 10 bậc cấp. Nền đàn được bao quanh bằng bao lơn bát giác (kín bảy cạnh chừa một cạnh làm cổng), kế đó là dãy bích tường, cũng bát giác và chính giữa là “tháp” bát giác năm bậc, bình đầu và tại trung tâm bình đầu đặt mộ biểu: đế là “năm luân cái”, thân trụ lục giác, đầu cột theo thức phối trí (composite order) và đỉnh cột là búp sen truyền thống. Trong cấu trúc trung tâm này, phần gọi là “tháp”, cũng có thể coi như một đài bệ năm bậc của trụ mộ biểu hình sen. Tính chất “lưỡng khả” này đã hoá giải được sự câu thúc của các quy định về tháp mộ và như vậy là đạt được sự lưỡng toàn giữa “lý” và “biểu”, tức tạo nên một hợp thể mộ tháp – kiểu thức mà dân chúng địa phương gọi nôm na là “mộ tán dù”.

Về mặt điêu khắc, công trình này lại là một tập thành khá đầy đủ các kỹ pháp tạo hình, từ hình khối ba chiều như mộ biểu/trụ sen, dĩa quả tử (mãng cầu, khế, măng cụt, phật thủ...) đặt trên đỉnh trụ tráp ở các góc bát giác của vòng tường bích đến các mảng phù điêu, các bức văn tự chạm chìm... Đặc điểm dễ nhận ra ở đây là các đồ án chạm khắc đậm tính trang trí, chú trọng đến tính đăng đối trong việc bố cục các mảng trang trí của toàn thể cấu trúc cũng như trong từng cấu kiện riêng biệt. Điều đó đã tạo nên thể dạng chân phương và bình chỉnh của công trình. Mặt khác, việc bố trí xen kẽ các mảng phù điêu và bức văn tự lại tạo nên vẻ thoáng đãng và thanh thoát, không lậm vào sự cầu kỳ.

Nếu đầu cột mộ biểu theo thức phối trí chỉ ra ảnh hưởng của kiểu thức phương Tây hay các dĩa quả tử, gồm các loại trái cây thổ sản thì ngược lại các phù điêu lại tuân thủ các đề tài truyền thống: dây lá hoá rồng, cổ đồ bát bửu (ống tiêu, bầu trói, phát trần, bảo bình, quạt vả...), đề tài cảnh – vật cặp đôi (trúc – tước, hoa – điểu, tùng – hạc, tùng – lộc, liên – áp...). Các phù điêu đề tài cảnh vật cặp đôi đa phần đều tuân thủ khuôn mẫu “một cây – một con” truyền thống, song cũng thấy một số bức phá cách bằng cách tích hợp các chi tiết phụ, khiến cho chúng nghiêng về tranh phong cảnh.

Nói chung, theo quan niệm “sống cái nhà, già cái mồ”, truyền thống xứ ta luôn coi trọng phần “âm trạch” ngang với “dương cơ”. Mồ yên mả đẹp là mong muốn chung của mọi người và luôn được con cháu lưu tâm thực hiện khi điều kiện vật chất cho phép. Chính vì vậy, trong lịch sử không ít các ngôi mộ, lăng mộ là những công trình kiến trúc – mỹ thuật. Đặc biệt, đây là ngôi âm trạch của một phụ nữ xứng đáng là nghĩa nữ của Phấn dũng tướng quân Bình Tây đại nguyên soái nên ngoài giá trị nghệ thuật còn hàm chứa những ý nghĩa lịch sử đáng trân trọng

Ngôi mộ bát lăng đẹp nhất miền Nam

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0902.959.596